Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp, chẳng hạn như dệt may và đồ nội thất. Nếu đà tăng không được kiềm chế, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ít nhiều sẽ gặp khó khăn hơn.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, ngay từ lúc này, việc nghĩ đến những giải pháp dài hạn để duy trì và phát huy lợi thế của BĐS công nghiệp Việt Nam là hết sức cần thiết.
Đa dạng hóa nguồn cung
Việc phát triển các khu công nghiệp mới ở các tỉnh thành lân cận Tp.HCM và Hà Nội sẽ góp phần làm giảm “sức nóng” của giá thuê. Hiện tại, ở phí Bắc, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh chuyển hướng tìm kiếm đất công nghiệp ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương hay Bắc Ninh, nơi có giá thuê đất thấp hơn và quỹ đất dồi dào hơn.
Một số tỉnh ở khu vực phía Nam cũng có kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ, tỉnh Long An đã được phê duyệt bổ sung ba KCN mới vào quy hoạch quốc gia, KCN Sài Gòn – Mê Kông có diện tích 200 ha, KCN Tân Tập có diện tích 654 ha và KCN Lộc Giang có diện tích 466 ha. Sáu địa phương của tỉnh Đồng Nai như các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh có kế hoạch xây dựng thêm các KCN, mỗi KCN từ 200ha đến 900ha, để giải quyết tình trạng thiếu diện tích.
Đổi mới mô hình phát triển
Khu công nghiệp sinh thái là một mô hình phù hợp và nên được phát huy. Trong đó, các doanh nghiệp cùng cam kết, hợp tác và hành động để đạt được các mục tiêu chung về sử dụng tài nguyên và môi trường.
“Sổ tay phát triển khu công nghiệp sinh thái cho các nước đang phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết có thể phân loại khu công nghiệp sinh thái thành 5 nhóm, bao gồm: khu công nghiệp sinh thái nông nghiệp, khu công nghiệp sinh thái lọc hóa dầu hay hóa chất, khu công nghiệp sinh thái tái tạo tài nguyên, khu công nghiệp sinh thái nhà máy điện và khu công nghiệp sinh thái năng lượng tái sinh.
Theo ông Jackson, mô hình này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nói chung, giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong khi vẫn không ảnh hưởng đến hiệu suất của các doanh nghiệp. Ngoài ra, môi trường này cũng sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và toàn cầu.
Các bước đi cụ thể có thể thực hiện là nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến và hạn chế phát thải tối đa và thí điểm chuyển đổi trước một số khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái để rút ra cách làm hiệu quả nhất.
Tăng cường liên kết
Các địa phương nên có cơ chế để thường xuyên cập nhật tình hình phát triển khu công nghiệp, chính sách phát triển, cách làm hay…để cùng nhau phát triển, tạo thành hệ thống đồng bộ. Cơ chế này cũng sẽ giúp các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả hơn, tận dụng tốt ưu thế của từng tỉnh thành, tạo sự hài hòa trong quá trình phát triển liên vùng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Việc liên kết giữa các khu công nghiệp với nhau cũng hết sức quan trọng để phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa, logistic. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sự bền vững của cả nền công nghiệp.